PGS, TS Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) cho biết, trong thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam có những bước phát triển quan trọng, đặt nền móng cho sự phát triển y tế điện tử trong thời gian tới.
Đặc biệt, người dân bước đầu được hưởng lợi từ việc ứng dụng công nghệ thông tin. Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản pháp luật; ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật, tài liệu chuyên môn về công nghệ thông tin y tế, từng bước hoàn thiện cơ sở pháp lý về công nghệ thông tin. Ngành y tế đã tăng cường chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính, triển khai thành công và có hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến của Bộ Y tế; kết nối Cổng thông tin một cửa quốc gia.
“Hiện nay, 100% dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền Bộ Y tế được cung cấp trực tuyến ở mức độ 2; 57 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4; kết nối liên thông với Chính phủ; công khai tiến độ giải quyết hồ sơ của Bộ Y tế trên cổng thông tin điện tử Chính phủ. Đến nay, hầu hết các bệnh viện đã triển khai phần mềm quản lý bệnh viện; 99,5% cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc đã kết nối liên thông với hệ thống giám định của Bảo hiểm xã hội Việt Nam...”, ông Trần Quý Tường cho biết.
Tuy nhiên, ông Tường cũng chia sẻ, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành y tế vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Hiện chưa ban hành được quy định kinh phí công nghệ thông tin được tính vào giá thành dịch vụ y tế và được bảo hiểm y tế chi trả theo quy định; cơ chế thuê dịch vụ hiện nay chưa rõ ràng; việc triển khai dịch vụ công trực tuyến ở Bộ Y tế thiếu kinh phí.
Ông Tường dẫn chứng, việc triển khai hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia đã triển khai rất tốt với 100% trạm y tế xã/phường sử dụng với tổng số khoảng 13 nghìn cơ sở tiêm chủng, quản lý hơn 9,5 triệu đối tượng. Người dân đã sử dụng với hơn 6.000 sổ tiêm chủng điện tử nhưng hiện nay, chưa có kinh phí để chi trả đối với hệ thống này. Vì thế, vẫn còn nhiều bất cập trong việc chưa đồng bộ dữ liệu phần mềm riêng của cơ sở tiêm chủng dịch vụ với hệ thống tiêm chủng quốc gia; trùng lặp đối tượng trên hệ thống…
Hiện nay, việc thí điểm triển khai bệnh án điện tử tại các bệnh viện về cơ bản đã hoàn thành tuy nhiên để nhân rộng có hiệu quả cần phải thống nhất ban hành mã bệnh nhân hoặc mã an sinh xã hội, thông tư hướng dẫn về bệnh án điện tử... “Mới chỉ có 9/34 bệnh viện tuyến Trung ương có đăng ký với chúng tôi để triển khai bệnh án điện tử”, ông Tường nói.
Theo Cục Công nghệ thông tin, năm 2018, kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin của Bộ Y tế sẽ tập trung vào các nội dung như: tiếp tục nâng cấp hệ thống quản lý văn bản và điều hành hệ thống thư điện tử của Bộ Y tế; xây dựng Trung tâm điều hành công nghệ thông tin của Bộ; xây dựng hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến; triển khai phần mềm quản lý cán bộ công chức, viên chức của Bộ.
Đồng thời, Bộ Y tế sẽ xây dựng hệ thống quản lý bệnh án điện tử, hệ thống y bạ điện tử; tin học hóa báo cáo thống kê bệnh viện; triển khai phần mềm quản lý hoạt động trạm y tế xã; xây dựng phần mềm quản lý đấu thầu thuốc, hóa chất, vật tư tiêu hao và trang thiết bị y tế; phát triển, triển khai rộng rãi hệ thống thông tin quản lý tiêm chủng, bệnh truyền nhiễm và bệnh không lây nhiễm...